Ameedic - Quản lý phòng khám, chăm sóc bệnh nhân hiệu quả

Chăm sóc tuyệt đối - Vượt trội doanh thu

Giải pháp quản lý, theo dõi bệnh nhân, marketing toàn diện từ A-Z cho phòng khám vừa và nhỏ

Xem ngay
hero

Dinh dưỡng cho người sau tiêm vắc xin phòng COVID-19

Khi tiêm vắc xin, tùy theo cơ địa của từng người mà có các phản ứng ở mức độ khác nhau như sốt nhẹ, đau mỏi khắp người, đau sưng tại chỗ tiêm,…các triệu chứng sẽ thuyên giảm và khỏi hoàn toàn sau 1-2 ngày. Để giảm bớt tình trạng này thì ngoài chế độ chăm sóc, theo dõi, chúng ta cần chú ý bổ sung đầy đủ dinh dưỡng để cơ thể nhanh phục hồi, khỏe mạnh.

 

Bổ sung nước cho cơ thể

Nhu cầu nước hàng ngày: mỗi ngày, người trưởng thành cần khoảng 2.500 ml/ngày, trong đó nước uống bổ sung khoảng 1,2 – 1,4 lít/ngày (tương đương 6 - 7 cốc nước/ngày), còn lại nước đưa vào cơ thể dưới dạng thức ăn và đồ uống. Nhu cầu nước hàng ngày của cơ thể còn tuỳ theo thời tiết, điều kiện sinh hoạt, tình trạng lao động, tình trạng sinh lý,..Người càng cao tuổi lượng nước trong cơ thể càng ít, với người trên 55 tuổi  nước chỉ chiếm 50% trọng lượng.

Theo cuốn Nhu cầu khuyến nghị dành cho người Việt Nam năm 2016, thì nhu cầu nước như sau: Theo cân nặng, tuổi với trẻ vị thành niên (10-18) tuổi nhu cầu nước là 40 ml/kg; từ 19 đến 30 tuổi hoạt động thể lực nặng nhu cầu nước là 40 ml/ kg; từ 19 đến 55 tuổi hoạt động thể lực trung bình nhu cầu nước là 35 ml/kg, người trưởng thành trên 55 tuổi nhu cầu nước là 30 ml/kg.

 

 

Bổ sung nướcc cho cơ thể sau khi tiêm vắc xin là điều cần thiết

 

Uống nước đúng cách:

Nước vào cơ thể chủ yếu qua ống tiêu hoá. Khi thời tiết nắng nóng cần thường xuyên bổ sung nước, tránh để thiếu nước đến khi có biểu hiện khô miệng, nước bọt quánh. Việc uống nước cũng cần uống từ từ, không nên uống nhiều một lúc, các loại nước uống như: nước hoa quả, nước rau, nước OSEROL, nước có pha thêm chút muối,..

 

Uống quá nhiều nước một lúc không tốt cho sức khỏe: Khi bổ sung nước vào cơ thể qúa nhiều trong một thời gian ngắn, cảm giác khát không giảm thậm chí còn cảm giác khát hơn, Uống nhiều một lúc làm lượng mồ hôi bài tiết ra nhiều hơn, cơ thể càng mệt mỏi hơn vì mất quá nhiều chất điện giải. Khi uống nước càng chậm càng tốt, uống từ từ và chia nhỏ lượng nước cần uống, nó sẽ giảm cơn khát tốt hơn.

 

Sau khi tiêm vắc xin, thường có các dấu hiệu đau sốt, vì thế việc bổ sung nước cho cơ thể là việc rất cần thiết, nhất là vào những ngày nắng nóng. Các loại nước hoa quả có thể uống bổ sung như nước chanh, nước cam, nước bưởi ép … để cung cấp lượng vitamin C, A cần thiết cho cơ thể.

 

Chế độ ăn giàu vi chất dinh dưỡng

Một chế độ dinh dưỡng tốt cung cấp đủ cho nhu cầu cơ thể các chất dinh dưỡng và cân đối về tỷ lệ các chất dinh dưỡng. Đồng thời để tăng sức đề kháng cho cơ thể, chế độ ăn hàng ngày cần bổ sung các loại thực phẩm giàu vi chất dinh dưỡng từ nguồn động vật và thực vật.

 

Ăn đủ nhu cầu, ăn đa dạng, phối hợp từ 15-20 loại thực phẩm và thay đổi thường xuyên các loại thực phẩm trong ngày. Khẩu phần ăn hàng ngày nên có sự phối hợp ở tỷ lệ cân đối giữa giữa nguồn chất đạm động vật và thực vật (thịt, cá, trứng, sữa, tôm, cua, hải sản,... đậu, đỗ...). Tăng cường ăn vừng lạc, đậu đỗ, rau xanh và hoa quả chín. Một chế độ ăn đảm bảo đủ nhu cầu về năng lượng và các chất dinh dưỡng như: Năng lượng từ ngũ cốc chỉ nên chiếm 55-65 % tổng năng lượng khẩu phần, phần còn lại do chất béo cung cấp chiếm 20-25% và 15-20% là từ chất đạm.

 

Rau xanh và quả chín: Rau quả là nguồn cung cấp vitamin, khoáng chất và chất xơ. Vitamin và chất khoáng có vai trò rất quan trọng trong đề kháng và miễn dịch cơ thể, nếu thiếu làm giảm sức đề kháng và miễn dịch chống lại các virus, vi khuẩn gây bệnh. Các vitamin và khoáng chất giúp nâng cao sức đề kháng và miễn dịch gồm: vitamin A, vitamin C, vitamin D, vitamin E và chất khoáng như sắt, kẽm, selen,… Theo khuyến nghị về rau xanh và hoa quả chín, thì lượng rau xanh từ 200-300g/người/ngày, quả chín từ 100-200g/người/ngày.

 

 

Chế độ dinh dưỡng đa dạng giúp cung cấp các vi chất dinh dưỡng cần thiết cho cơ thể

 

Vitamin và khoáng chất có nhiều trong thực phẩm như:

Vitamin A có nhiều trong rau xanh có màu xanh đậm, hoa quả màu vàng, đỏ như gấc, đu đủ, xoài, rau ngót, rau giền cơm…và thức ăn động vật gan gà, gan lợn, gan bò,...

 

Vitamin E có nhiều trong các thực phẩm nguồn gốc tự nhiên như đậu tương, giá đỗ, vừng lạc, mầm lúa mạch, dầu hướng dương, dầu ô-liu và các loại rau có lá màu xanh đậm

 

Vitamin C có nhiều trong rau ngót, rau mùi tàu, rau dền, rau đay, rau mồng tời, hành hoa, …trong các loại quả như bưởi, đủ đủ, quýt, cam, chanh,…

 

Vitamin D có nhiều gan cá, lòng đỏ trứng, cá, hải sản, sữa…

 

Vitamin nhóm B có nhiều trong cám gạo, ngũ cốc, các loại hạt đậu, mè, mầm lúa mì, tim, gan; Sắt gây ảnh hưởng đến miễn dịch qua trung gian tế bào hơn là miễn dịch dịch thể. Sắt có nhiều trong mộc nhĩ, nấm hương, rau giền đỏ, đậu tương, tiết bò, bầu dục lợn, lòng đỏ trứng vịt, cua đồng,…

 

Kẽm giúp tăng cường miễn dịch, giúp làm vết thương mau lành và giúp duy trì vị giác và khướu giác. Kẽm tham gia vào hàng trăm enzym chuyển hóa trong cơ thể, khi thiếu kẽm trẻ dễ mắc các bệnh nhiễm khuẩn đường hô hấp, tiêu hóa do giảm sức đề kháng, có biểu hiện biếng ăn chậm lớn, chậm phát triển chiều cao, các thức ăn giàu như thịt, cá, tôm, sò, sữa, trứng, ngao, hàu,…

 

Lựa chọn và chế biến thực phẩm: thực phẩm phải tươi sống, không ăn những thực phẩm gia cầm và gia súc bị chết do nhiễm bệnh. Thực hiện ăn chín, uống sôi, không ăn khi thực phẩm chưa chín như: ăn tái, ăn giỏi, tiết canh, trứng ốp la, trứng sống,…Thực hiện 10 lời khuyên vàng trong chế biến thực phẩm, đặc biệt là vệ sinh giao thớt và rửa tay bằng xà phòng trước, trong, sau khi chế biến thực phẩm. Các thức ăn cần nấu chín kỹ, chế biến dạng lỏng, hay mềm, dễ tiêu hóa và theo sở thích của từng người.

 

Sau khi tiêm, người mệt mỏi, chán ăn, sốt, sưng đau thì cần chế biến thức ăn mềm, dễ tiêu như cháo đậu xanh nấu thịt, cháo hành nấu thịt, súp gà, súp cua…đồng thời chia làm nhiều bữa nhỏ trong ngày. Nếu trường hợp sốt cao, đau nhiều thì có thể uống thuốc hạ sốt giảm đau.

 

Phản ứng thường gặp nhất sau khi tiêm là sốt, vết tiêm nổi mẩn, mưng mủ. Tùy theo cơ địa từng người, từng loại vắc xin sẽ có phản ứng khác nhau, vì vậy sau khi tiêm cần được theo dõi mạch, nhiệt độ, huyết áp ít nhất là 30 phút mới ra về và tiếp tục theo dõi tại nhà, nếu có biểu hiện bất thường cần thông báo hoặc đến ngay cơ sở y tế.

 

Cách xử trí một số phản ứng thông thường

Sốt nhẹ: Sốt là phản ứng phổ biến nhất sau khi tiêm vắc xin COVID-19. Đây là cách cơ thể phản ứng với thuốc và thường tự khỏi sau 1-2 ngày sau khi tiêm. Tuy nhiên cũng có một vài trường hợp có thể sốt đau, có thể sử dụng thuốc hạ sốt chống viêm, nếu sốt không giảm (trên 39 độ C), liên hệ ngay với cơ sở y tế để được tư vấn kịp thời.

 

Vết tiêm bị sưng đỏ, đau: Vấn đề này có thể tồn tại đến vài ngày nhưng đây hoàn toàn là phản ứng bình thường và sẽ tự khỏi, không đáng ngại. Có thể dùng phương pháp chườm lạnh ở chỗ tiêm để giảm đau.

 

Dị ứng: Sau khi tiêm, người có thể nổi các vết ban mề đay hoặc ngứa toàn thân… Thông thường, các biểu hiện dị ứng này sẽ tự khỏi sau vài ngày, nhưng nếu trong người khó chịu thì phải dùng thuốc chống dị ứng với sự tư vấn của cán bộ y tế.

 

Ths.Bs Nguyễn Văn Tiến

Nguồn: https://suckhoedoisong.vn/dinh-duong-cho-nguoi-sau-tiem-vac-xin-phong-covid-19-n193966.html